Sau bước ngoặt quyết định của chiến dịch Tây Nguyên, cùng với thắng lợi trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa; hạ quyết tâm mở chiến dịch có ý nghĩa quyết định.
Ngày 8-4, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt cho Bộ Chính trị; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh; đồng chí Lê Ngọc Hiền, quyền Tham mưu trưởng chiến dịch.
19 giờ ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi công điện số 37/TK cho Mặt trận, do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng ký, nội dung ghi rõ: “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh” .
Ngày 22-4, Bộ Chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối kế hoạch chính thức của chiến dịch. Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, sau mọi bước chuẩn bị hoàn tất, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng.
Ngày 26-4, ta triển khai thế bao vây Sài Gòn từ năm hướng: hướng Tây Tây Bắc - Quân đoàn 3; hướng Bắc - Quân đoàn 1; hướng Đông Nam - Quân đoàn 2; hướng Đông - Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8).
Từ ngày 26 đến ngày 28-4, ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng như: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, thị xã Bà Rịa… cắt đứt hoàn toàn đường 4 từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây, chế áp, làm tê liệt các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa.
Ngày 29-4, quân ta tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven, đánh chiếm một số căn cứ: Long Bình, Thành Tuy Hạ, Nước Trong…
Sáng 30-4-1975, trên đà thắng lợi, quân ta từ các hướng tổng công kích vào nội ô Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu địch, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát…
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn bị bắt, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cùng với đòn đánh trên mặt trận quân sự, nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Nắm vững thời cơ chiến lược, ngày 1-5, quân và dân khu 8, khu 9 đã nổi dậy và tiến công, tiêu diệt làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Trận quyết chiến chiến lược của ta đã giành chiến thắng giòn dã, ta đã tiêu diệt, làm tan rã khoảng 250 ngàn quân địch, phá hủy và thu hàng ngàn loại vủ khí tối tân khác.
Chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975 của nhân dân Việt Nam thực sự là một mốc son chói lọi, là một sự kiện gây chấn động năm châu lúc bấy giờ. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình về hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn gữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, giảm tối thiếu thiệt hại về người và của.
Ngày 30-4 đã đi vào lịch sử như một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh dân tộc ta, đúng như cái nghĩa mà tờ Báo Tin tức Ai Cập, số ra ngày 7-5-1975 đã viết: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã gương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30-4-1975”.
T.H
Tài liệu tham khảo: - Hồ sơ sự kiện, Số 113, 2010